THƯ GỬI ÔNG SINNETT (tt)

 

 

 

Thư 61 - Nhận tháng 6, 1882.
Ta có ba thư 61-63 cũng cần được xét chung với nhau. Thư 61 gồm có câu hỏi của ông Sinnett và câu trả lời của đức K.H., thư 62 là các phụ lục I, II, và III để đọc thêm với thư 61, và thư chót 63 thực ra không phải là một thư riêng, mà là phần tiếp theo thư 62 không rõ vì sao bị tách rời.
Các thư bàn về chi tiết của chỉ dẫn đã đưa ra khi trước. Vào năm 1882 chưa có định nghĩa rõ ràng cho chữ dùng về triết lý bí truyền, cũng như vài từ ngữ dùng khi ấy về sau được thay bằng chữ khác, nên để dễ cho bạn đọc theo dõi bài dịch sẽ thay chữ nguyên văn mà nay không còn dùng nữa bằng chữ đương thời. Vì từ ngữ xưa và nay không thống nhất, phần dưới chỉ là bài viết theo hiểu biết riêng của người dịch, khi bạn đọc nguyên tác và với hiểu biết của mình thì có thể diễn giải khác. Cũng vì vậy có thể là ta không tránh khỏi bị rối trí vì không hiểu đúng ý hai nhân vật muốn nói gì.
Ta cần nói sơ qua về cuộc tiến hóa của con người trên địa cầu hầu nắm vững ý muốn hỏi và câu trả lời. Rất vắn tắt thì tài liệu nói rằng:
– Thái dương hệ có mười dãy hành tinh (planetary chain), mỗi dãy gồm bẩy bầu. Để tượng hình thì trọn thái dương hệ như bông hoa có mười cánh với mặt trời ở giữa, mỗi cánh hoa là một  dãy hành tinh có bẩy bầu trong đó.
– Cuộc tiến hóa lan đi như đợt sóng trong dãy hành tinh, từ bầu một tới bầu số bẩy là hết một vòng (Round), lần lượt có bẩy vòng như thế.
– Mỗi vòng có bẩy giống dân chính (Race - mẫu chủng) lần luợt xuất hiện, mỗi giống dân lại có bẩy chi chủng hay giống dân phụ (branch - sub race), và mỗi chi gồm bẩy nhánh.
– Địa cầu hiện đang tiến đến giữa vòng bốn, và mẫu chủng thứ năm của vòng này.
Sau đây là câu hỏi và trả lời.
1. Đã có vài người vòng năm giờ bắt đầu xuất hiện trên trái đất,  họ khác người ở giai đoạn chót của vòng bốn ra sao ? Tôi nghĩ họ có lần tái sinh đầu tiên thuộc vòng năm và sẽ tiến rất xa khi là người  vòng năm mà ở lần sinh thứ bẩy.
Đáp (Đ): Là những ai sinh ra có thông nhãn tự nhiên, loại người như bà A. Kingsford và ông Maitland (Hai nhân vật người Anh, bà Kingford là chi trưởng chi bộ TTH London lúc ấy); là các đạo sư cao cả của bất cứ đất nước nào; các thiên tài nghệ thuật, chính trị hay cải cách tôn giáo. Chưa có khác biệt lớn về thể chất, còn sớm quá và về sau mới có.
Đúng vậy, xin đọc giải thích phần phụ chú I.

2. Nhưng nếu ai vòng năm mới sinh lần đầu (tức mẫu chủng đầu của vòng năm) mà dành hết đời mình cho huyền bí học và trở thành đạo sư, liệu họ tránh được không phải tái sinh lần nào nữa ở cõi trần không ?
Đ: Không, nếu ta không kể đức Phật là người vòng sáu. Ngài tiến mau lẹ từ những kiếp trước, vượt qua luôn những ai đi trước ngài. Nhưng trường hợp vậy chỉ thấy trong một tỉ người mới có một người. Ngài khác những kẻ khác về hình dạng bên ngoài lẫn phần tinh thần và hiểu biết. Dầu vậy, ngài chỉ thoát việc tái sinh trên trái đất này; và khi người thuộc chi chủng ba của vòng sáu tàn lụi đi, đức Thế Tôn sẽ phải tái sinh ở bầu hành tinh kế. Chỉ có điều là vì Ngài hy sinh, từ chối không nhập Niết Bàn hưởng sự An Lạc để cứu độ nhân loại, Ngài sẽ sinh ra ở mức cao nhất là chi chủng bẩy ở bầu cao hơn.
Từ đây tới đó, Ngài sẽ phù trì cho ai được chọn làm thay đổi vận mạng các quốc gia.

3. Có khác biệt tinh thần nào giữa người nam với người nữ ? hay phái tính chỉ là ngẫu nhiên mỗi lần sinh, và tương lai ai cũng cho ra cùng cơ hội ?
Đ: Chỉ là ngẫu nhiên. Nói chung thì đó là tình cờ do Karma riêng của mỗi người đặt để, như đạo đức, đặc tính và hành vi của kiếp trước.

4. Tôi hiểu là ngày nay trên trái đất, đa số giai cấp cao của các nước văn minh thuộc mức bẩy, hay tái sinh lần bẩy trong vòng bốn. Phải người thổ dân ở Úc thuộc mức thấp ? chi chủng nào ? và người giai cấp thấp ở nước văn minh thuộc các mức khác nhau hay chỉ dưới mức bẩy ? Có phải hết những người thuộc mức bẩy sinh vào giai cấp cao, hay có thể vài người sinh ở chỗ nghèo hèn ?
Đ: Không nhất thiết là vậy. Sự thanh nhã, trau chuốt, và có học cao hiểu theo ý bạn có can dự rất ít vào tác động của luật trời ở mức cao. Hãy xem một người Phi châu thuộc chi chủng bẩy hay người Mông Cổ thuộc chi chủng năm, bạn có thể giáo dục họ nếu bắt đầu từ khi nằm nôi, và biến đổi họ - chỉ có bề ngoài - thành nhà quí tộc của Anh sáng chói nhất và giỏi dang nhất. Dầu vậy, ngoại trừ vẻ ngoài kẻ đó vẫn chỉ là con vẹt thông minh.
Xin xem phụ chú II.

5. HPB cho tôi hay là đa số người ở nước này (Ấn Độ) kém tiến hóa so với người Âu châu về một số mặt, tuy có phần tinh thần trội hơn. Phải họ ở mức thấp hơn của cùng một vòng, hay khác biệt là do nguyên tắc của chu kỳ quốc gia và không liên quan gì đến sự tiến bộ cá nhân ?
Đ: Đa số người ở Ấn Độ thuộc chi chủng xưa nhất hay sớm nhất của mẫu chủng năm. Tôi muốn đức M. chấm dứt thư cho bạn bằng tóm tắt ngắn về lý thuyết khoa học của các nhà nhân chủng học và vạn vật học thông thạo của bạn để đỡ việc cho tôi. Xin đọc những gì ngài viết rồi xem phụ chú III.

6. Ta giải thích ra sao về vong linh hướng dẫn của người đồng ? Họ có phải là tinh linh rút sinh lực hữu thức từ người đồng hay đó là tinh linh giả dạng ? Khi vong linh rút một tờ trong xấp giấy có tiêu đề của tờ Pioneer, làm sao họ làm được ?
Đ: Tôi có thể đoan chắc với bạn là nó chẳng đáng công cho bạn tìm tòi hiện nay về bản chất thật của các vong linh hướng dẫn này hay kia. Nếu không thông thạo diễn biến sinh ra vỏ và bẩy nguyên lý của con người, bạn sẽ không hiểu chúng thực sự là gì; không có gì viết về chúng, và cũng không mong là chúng sẽ nói thật cho thân hữu và ai khen ngợi chúng ... Tốt nhất để cho chúng yên, chúng sẽ bị lôi cuốn về điều tương tự như chúng là các người đồng, và mối liên hệ giữa hai bên không phải được tạo ra, mà bị ép buộc bởi ai khờ dại và tội lỗi muốn thấy hiện tượng. Chúng là vỏ cũng như là tinh linh, giỏi lắm thì là tinh linh hạng thấp, ưa phá phách, thấp kém. Bạn thân mến, bạn muốn ôm quá nhiều hiểu biết ngay một lúc. Dù với một bước dài, bạn cũng không thể đạt hết những điều thần bí....

Thư 62 - Nhận tháng 6, 1882.
Phụ Chú.
I.
Mỗi con người tinh thần có hành trình tiến hóa dài đăng đẳng phải làm, có tiến bộ vĩ đại phải đạt thành. Đầu tiên, ngay từ thuở sơ khai của giai đoạn linh hoạt (Manvantara), từ hành tinh đầu có người tới hành tinh cuối, trên mỗi hành tinh như thế chân thần phải trải qua bẩy mẫu chủng liên tiếp nhau. Từ nhánh dân chưa biết nói cho đến mẫu chủng thứ năm hiện giờ, và qua thêm hai mẫu chủng nữa, trước khi tiến hóa xong chỉ mới trên trái đất mà thôi; và rồi chuyển sang bầu khác cao hơn và cao hơn nữa ...
Nhưng ta sẽ giới hạn sự chú ý chỉ vào bầu này. Mỗi mẫu chủng trong số bẩy mẫu chủng cho ra bẩy chi chủng từ chính nó, và con người phải tiến qua mỗi chi chủng trước khi có thể đi sang mẫu chủng khác cao hơn, như thế bẩy lần. Bạn có thể mở to mắt kinh ngạc và đầy thắc mắc, nhưng chuyện là vậy. Các chi chủng tượng trưng cho những mẫu khác nhau của nhân loại - về thể chất và tinh thần - và không ai trong chúng ta có thể thể bỏ sót nấc nào trên thang.
Xin hãy nhớ rằng khi nói 'con người - man', tôi ngụ ý mẫu người của chúng ta. Còn có vô số bầu khác đang linh hoạt và có sinh vật thông minh, cả trong và ngoài thái dương hệ ... có kẻ về thể chất và trí thông minh thấp hơn, kẻ khác vượt xa không sao lường được cao hơn người của dãy hành tinh chúng ta. Nhưng ta chỉ đề cập vậy thôi và không nói gì thêm về họ lúc này.
Vậy cho mỗi mẫu chủng, con người phải đầu thai vào và rút về bẩy lần liên tiếp, phát triển trí tuệ từ mức thấp nhất đến cao nhất, nối tiếp nhau. Nói tóm tắt là chu kỳ của con người trên trái đất với mẫu chủng và chi chủng là phần tương ứng chính xác của Đại Chu kỳ, chỉ ở mức nhỏ hơn nhiều. Xin cũng hãy nhớ nữa là khoảng thời gian giữa các chi chủng này rất dài, vì ngay cả người Phi châu bán khai nhất cũng phải được phần thưởng của Karma họ bằng với người Phi châu bán khai khác thông minh gấp sáu lần hơn.
Các nhà nhân chủng học của bạn sẽ có lợi nếu hằng nhớ rằng luật thất nguyên (bẩy lần) không thay đổi này tác động trong khắp sinh hoạt của thiên nhiên ... Mẫu chủng thứ năm của vòng năm ... phải lộ ra sự khác biệt thấy rõ về thể chất và trí tuệ cũng như là đạo đức so với mẫu chủng thứ tư; bạn nói đúng là họ sẽ tới mức rất xa khi là người vòng năm ở lần sinh thứ bẩy.

II.
Giầu sang hay nghèo hèn, sinh vào giai cấp cao hay thấp không có ảnh hưởng chi về việc đó, vì hết mọi điều này chỉ là kết quả của Karma. Cũng như điều bạn gọi là văn minh thì không can dự mấy đến sự tiến bộ. Con người bên trong, nét tinh thần, sự soi tỏ của trí não phàm trần bằng ánh sáng của trí thông minh tinh thần hay thiêng liêng, đó mới là thử thách. Thổ dân ở Úc, người Phi châu bán khai v.v. đều là nhánh nhóc phụ của chi chủng mà bạn gọi là 'người ăn lông ở lỗ' - mẫu chủng thứ ba (mà khoa học của bạn gọi là thứ hai) tiến hóa trên địa cầu. Họ là người rơi rớt lại từ người ăn lông ở lỗ...

III.
Như đã nói trong câu trả lời của tôi cho bạn, đa số người Ấn - ngoại trừ người theo Hồi giáo - thuộc các nhánh lâu đời nhất của mẫu chủng thứ năm hiện thời, bắt đầu ở Trung Á hơn một triệu năm về trước ... Á châu, cũng như là Úc, Phi, Mỹ châu và phần lớn vùng phía bắc có những người rơi rớt lại của mẫu chủng thứ tư, và ngay cả người của mẫu chủng thứ ba (người ở hang hốc). Cùng lúc đó, chúng tôi có nhiều người thuộc nhánh thứ bẩy của mẫu chủng thứ tư hơn Âu châu, và có nhiều người thuộc nhánh thứ nhất của mẫu chủng thứ năm hơn, vì người của chúng tôi lâu đời hơn các nhánh của Âu châu, bởi lẽ tự nhiên là chúng tôi xuất hiện sớm hơn.
Sự kiện họ 'kém tiến hóa' về văn minh và nét thanh nhã chỉ ảnh hưởng rất ít phần tinh thần của họ, vì Karma là luật dửng dưng với y phục và giầy dép lộng lẫy ra sao. Dao nĩa, nhạc kịch opera và phòng khách lịch sự của bạn không đi theo bạn trên đường tiến hóa, chẳng khác gì áo choàng đầy mầu sắc theo khiếu thẩm mỹ của người Anh có thể ngăn sở hữu chủ và người mặc áo khỏi việc sinh vào hàng ngũ những người mà dù có làm gì đi nữa, cũng không tránh khỏi bị người của vòng sáu và bẩy xem là 'dân mọi rợ' ăn thịt và uống rượu vào thời xã hội hoàng gia.
... Khoa Huyền bí là một người yêu hay ghen. Nó không dung thứ một nhân nhượng nhỏ nhít nào.  Và nó gây 'chết người' không phải chỉ cho đời thông thường của cuộc sống lứa đôi, mà còn luôn cả cho việc dùng rượu, thịt.
... Nay tới câu hỏi cuối. Nào, như tôi đã nói, các vong linh hướng dẫn là thuộc một trong hai loại, tinh linh và vỏ ... Việc lấy tờ giấy (ở nơi này và làm xuất hiện nơi khác cách xa) diễn ra trong lúc Eglinton ở Calcutta trong bầu không khí của bà Gordon, vì bà thường nhận thư của bạn. Thành ra sinh vật dễ dàng nương theo ước muốn trong tiềm thức của Eglinton để thu hút các hạt bị phân tán trong hộp (đựng giấy) của bạn và tạo thành phó bản.

Thư 63 - Nhận tháng 6, 1882.
Thư này là phần tiếp của thư trên.
... Tôi sẽ cố hết sức mình để khiến Eglinton ăn chay và bỏ rượu. Ông Hume tỏ ra rất khôn ngoan khi đề nghị có cử rượu thịt hoàn toàn, nếu ông muốn có kết quả tốt lành. Nếu được hướng dẫn chu đáo Eglinton sẽ sinh ra tốt đẹp vô kể cho Hội tại Ấn, nhưng muốn được vậy anh phải tập luyện để gột sạch con người. Đức M. đã phải chuẩn bị anh từ sáu tuần trước khi lên tầu về nước, bằng không tôi sẽ không sao hiện ra trong bầu không khí của anh, dù là bằng phản ảnh của ' thể tình cảm'. Như đã nói, bạn à, điều anh thấy không phải là tôi. Cũng như tôi không thể làm hiện ra phản ảnh đó với bạn - trừ phi Eglinton hoàn toàn được thanh tẩy.
... Chúng tôi tách rời chủ trương của mình và thí nghiệm làm cho anh trên tầu Vega chỉ là để nhắm vào các hội viên Ấn hay Anh tại Ấn Độ ... Nhiều người trong các bạn nghĩ rằng việc tôi hiện ra cho  Eglinton sẽ 'cứu vãn được tình thế', và bắt buộc Thông Linh học phải nhìn nhận các tuyên bố của Theosophy. Nào, chúng tôi đã thực hiện các ao ước của bạn, đức M. và tôi nhất định cho các bạn thấy là hy vọng ấy không có căn bản nào. Óc cuồng tín và mù quáng của người theo Thông Linh học, được nuôi dưỡng bởi động cơ ích kỷ của người đồng chuyên nghiệp, lan tràn khắp nơi, và đối thủ của ta nay hóa ra tuyệt vọng.
Chúng ta phải để cho diễn biến tự nhiên của sự việc xẩy ra ... ép buộc biến cố không có lợi gì, vì nó chỉ ... cho người khác có cớ để đòi hỏi mới.
Vì thế, xin hãy kiên nhẫn. Ông Hume ... có một việc làm vĩ đại và cao cả trước mặt, việc làm của nhà sáng lập chân chính một thời đại xã hội mới, một cuộc Cải cách triết lý và tôn giáo. Nó được hình tượng to tát và cao cả quá đến nỗi tôi hy vọng là nếu chúng tôi cuối cùng đồng ý, ông sẽ có đủ chuyện để làm trong khoảng thời gian cần để cho tôi xem xét và chuẩn bị cho Eglinton. Tôi sẽ viết cho ông Hume và trả lời hết từng điểm của ông trong vài ngày tới, giải thích tình trạng như tôi dự tính cho nó. Trong lúc ấy bạn nên đưa thư này cho ông xem.
Bài điểm sách cuốn The Perfect Way lại toàn hảo hơn cả suy nghĩ của tác giả. Tôi xin tạ ơn bạn, bạn à, về công sức tốt lành của bạn. Bạn đang bắt đầu khiến đức Văn Minh chú ý, và nếu bạn hiểu được là điều ấy có nghĩa chi, bạn hẳn không cần phải tính xem mình sẽ có được phần thưởng đẹp đẽ ra sao cho vài việc làm vừa nói lúc gần đây.
Thân ái,
K.H.

Vài điểm có thể nói về thư này.
– Nó ghi lại lời tiên tri của ngài về việc làm tương lai của ông Hume. Khi viết:
'Ông Hume ... có một việc làm vĩ đại và cao cả trước mặt, việc làm của nhà sáng lập chân chính một thời đại xã hội mới, một cuộc Cải cách triết lý và tôn giáo. Nó được hình tượng to tát và cao cả quá...'
Câu nói này chỉ việc ông thực hiện được vài năm sau, và phải mấy chục năm sau đó ta mới hiểu trọn ý ngài. Tức dù là người Anh, ông Hume đã quan tâm đến tình hình Ấn Độ và nghĩ đến một nước Ấn Độ độc lập và phát triển. Ông bắt đầu vận động để có đại biểu Ấn Độ trong chính phủ Anh đang cai trị Ấn lúc đó, và hướng dẫn tầng lớp trí thức Ấn trong việc sinh hoạt chính trị dẫn tới độc lập sau này. Sau khi độc lập, nước Ấn nhìn nhận công lao của ông trong giai đoạn tranh đấu ban sơ ấy bằng việc vinh danh ông Hume là cha đẻ quốc hội Ấn.
Thành ra nói cho cùng, ông Hume với lòng cao ngạo, là hội viên nhưng chú ý nhiều đến mặt hiện tượng hơn là minh triết thiêng liêng mà căn bản là tình huynh đệ đại đồng, rốt cuộc lại là người thực hiện tình huynh đệ đại đồng dù có thể ông không cho là vậy, khi góp phần tích cực giúp cho Ấn được độc lập và tự do.
– Kế tiếp, ta sẽ bàn kỹ một chút về câu trong thư 65:
’Tôi sẽ cố hết sức mình để khiến Eglinton ăn chay và bỏ rượu. Ông Hume tỏ ra rất khôn ngoan khi đề nghị có cử rượu thịt hoàn toàn, nếu ông muốn có kết quả tốt lành.’
Xét theo mặt bí truyền, thảo mộc là loài  chuyển hóa dòng sinh lực prana và truyền nó tới những sinh vật khác trên địa cầu. Đó là phận sự độc đáo và thiêng liêng của nó. Dòng lực prana này ở cõi trung giới là vật phản ảnh của chất akasha nơi cõi cao; như vậy cõi thứ hai (từ trên đếm xuống) phản chiếu ở cõi trung giới, và ta nhớ rằng mọi rung động trong vũ trụ được lưu lại mãi mãi trong chất akasha, gọi là Thiên Ảnh Ký - Akashic Records.
Hệ quả là những ai muốn đọc Thiên Ảnh Ký, hay ai muốn làm việc ở cõi trung giới không gặp trở ngại, và nghiên cứu đúng đắn dữ kiện phản ảnh nơi đó, bắt buộc phải ăn chay nghiêm nhặt mà không có ngoại lệ nào. Luật cổ xưa này từ thời Atlantis là nguyên do nằm sau đòi hỏi người ta phải ăn chay, và là sự thật cho đòi hỏi ấy.
Vì không tuân theo luật khôn ngoan này mà nhiều người có khả năng tâm linh lúc này đã diễn giải lầm Thiên Ảnh Ký, và truy sai lạc kiếp trước. Chỉ những ai đã ăn chay nghiêm nhặt mười năm mới có thể đọc  Thiên Ảnh Ký. Khi họ thêm óc lý luận và sáng suốt nhờ định trí (là điều rất hiếm thấy) vào việc có thân xác và thể tình cảm thanh khiết, thì họ thành người diễn giải chính xác các hiện tượng nơi cõi trung giới.
Khi ấy, mối liên hệ của họ với thảo mộc thành rất gần gũi và không thể tan vỡ, nó sẽ đưa họ qua cửa vào cảnh mà họ nghiên cứu. Nhưng trừ phi mục tiêu của việc ăn chay là để làm chuyện này, biện luận cho ăn chay thường chỉ vô ích và không cần thiết. Bởi theo quan điểm của chân lý vĩnh cửu, vật mà con người ăn hay mặc sẽ có ý nghĩa rất khác với điều mà ai cuồng tín chỉ thấy một chiều tin tưởng.
Trọn vấn đề của việc giết chóc, dù là nơi loài vật hay thảo mộc, là chuyện lớn hơn ta tưởng, và phải xem xét theo góc cạnh khác với việc lấy đi mạng sống nơi loài người. Có ba đặc tính thiêng liêng tụ hội nơi con người, và không ai có quyền can dự vào vận mạng của họ. Nhưng khi chỉ có hai đặc tính thiêng liêng tụ hội như nơi các loài thấp hơn loài người thì thái độ ta có thể khác, và sự thật của vấn đề sẽ khác với điều mà trí não của ai chưa biết nhiều cho là đúng.
Như vậy, nhiều phần đây là lý do cho ý muốn Eglinton ăn chay của Chân sư.

Thư 64 - Đã bàn trong số trước.
Thư 65 - Nhận 26 tháng 6, 1882.
Đây là thư dài của đức K.H. gửi ông Hume, dầu vậy có những điều không liên can trực tiếp đến chỉ dạy về MTTL nên ta sẽ lược qua những đoạn không cần thiết và chỉ ghi lại điểm nào đáng chú ý.                                                                                               
Nhiều câu nói chung một điều là Chân sư bị giới hạn trong việc chỉ dạy triết lý cho ông Hume:
... Tôi phải giữ kín về các vị Dhyan Chohan và bí mật của nhân loại của vòng thứ bẩy.
Và tuy ngài đối với chúng ta là bậc tiến xa, nhưng nó không có nghĩa Chân sư được tự do hành động, bởi trên ngài còn có thượng cấp và ngài phải tuân lệnh đấng cao cả ấy:
... Tôi không thể nói gì hơn trừ việc đức Văn Minh đã cho phép tôi dùng thì giờ rảnh để chỉ dẫn ai chịu học, và bạn sẽ có đủ tài liệu để viết loạt bài Fragments trong khoảng hai hay ba tháng.
(Ngài muốn nói tới loạt bài ông Hume viết trên tờ The Theosophist, dựa theo những chỉ dẫn trong thư  của các ngài gửi cho ông)
Nói về triết lý huyền bí:
...Việc nhìn nhận những cõi cao hơn của con người trên hành tinh này không thể có được chỉ bằng cách thu thập kiến thức. Bao nhiêu sách vở dù đầy đủ thông tin thế mấy cũng không thể tỏ lộ cho con người cuộc sống ở cõi khác. Ta phải có hiểu biết về những sự kiện tinh thần bằng kinh nghiệm riêng và bằng quan sát thực sự ... Và bởi bạn nhìn nhận nguyên tắc lớn này về việc có quan sát riêng, và đã không chậm trễ thực hành điều bạn thụ đắc nhờ chi tiết hữu ích, có lẽ ấy là lý do vì sao đức Văn Minh - là Thầy tôi - vốn nghiêm khắc từ trước đến nay, đã chót hết cho phép tôi dành một ít thì giờ của mình cho sự tiến bộ của chi bộ Simla ... Người ta đi tìm sự hiểu biết cho tới khi kiệt lực chết đi, mà dù vậy lại không cảm thấy mau mắn giúp người bên cạnh mình với hiểu biết của họ; từ đó sinh ra sự lạnh lùng, dửng dưng khiến ai có hiểu biết không nhất quán với chính mình và không thuận hòa với khung cảnh xung quanh.
Nhìn theo quan điểm của chúng tôi, cái ác về mặt tinh thần thì lớn hơn về mặt vật chất của con người, thế nên tôi xin chân thành tạ ơn bạn, và xin thúc đẩy bạn chú ý đến việc có tiến bộ thật sự cùng đạt tới kết quả rộng rãi hơn, bằng cách biến hiểu biết của bạn thành việc chỉ dạy còn hoài dưới dạng các bài viết và tập sách nhỏ.
Tuy nhiên để đạt tới mục tiêu mà bạn đề ra, là có hiểu biết rõ ràng hơn về lý thuyết vô cùng uyên áo và thoạt đầu khó hiểu của triết lý huyền bí của chúng tôi, hãy chớ bao giờ để cho sự an tĩnh của trí não bị xáo trộn trong những giờ phút viết bài, hay trước khi bạn khởi sự làm việc. Linh ảnh nơi cõi vô hình cho ra hình ảnh nơi cõi hữu hình qua bề mặt an tĩnh, phẳng lặng của cái trí không xao động. Bằng không bạn sẽ chỉ tìm kiếm vô ích những linh ảnh đó, là những lóe sáng bất ngờ đã giúp giải quyết biết bao vấn đề nhỏ, và chỉ có chúng mới có thể mang lại chân lý cho con mắt tâm linh. Chúng tôi phải giữ gìn rất mực khe khắt tâm trí của mình đối với tất cả những ảnh hưởng gặp mỗi ngày khi tiếp xúc với cõi trần.

Ông Hume đề nghị ngài nói chuyện và dạy ông bằng cách huyền bí. Thư trả lời:
...Việc phát triển khả năng thông nhĩ không dễ như bạn tưởng. Không ai trong chúng tôi được làm như thế cả, vì có một luật lệ bất di dịch là người chí nguyện phải tự mình tạo những quyền năng cần thiết. Và khi sở đắc rồi và sẵn sàng để sử dụng, quyền năng nằm lặng lẽ chực hờ đầy tiềm lực, như các bánh xe trong hộp nhạc; chỉ khi ấy nó mới dễ dàng lên dây thiều và làm bộ máy chuyển động. Lẽ tự nhiên nay bạn có nhiều cơ may hơn so với ông Sinnett, bởi dù ông bỏ thịt vẫn cảm thấy thèm muốn thức ăn đó, sự thèm muốn mà ông không làm chủ được, và trở ngại cũng vẫn y vậy trong trường hợp này ... Tuy vậy mỗi ai sẵn lòng ước muốn có thể thực sự sở đắc quyền năng. Sự thực là vậy. Chuyện không khác biệt gì như mặt trời chiếu sáng mọi người hay không khí ban rải sức sống cho hết mọi ai. Có mọi quyền năng ở trước mặt bạn; Bạn hãy lấy những quyền năng mà bạn có thể nắm được.

Trong thư này ta thấy đức K.H. coi rất quan trọng việc trưng ra hiểu biết cho mọi người được sáng tỏ như mình. Ông Hume dựa theo chỉ dạy trong các thư nhận được từ Chân sư để soạn thành bài viết cho tờ The Theosophist và chẳng những ngài cho hay là rất hài lòng với hành động ấy, mà còn thêm sự hài lòng của đức Văn Minh. Lòng hân hoan này có thể được giải thích là các ngài không có lòng ích kỷ nên cảm thấy hòa hợp với ai cũng biểu lộ tính ấy, mà lý do khác sâu xa hơn là các ngài mong mỏi Theosophy được truyền bá rộng rãi, do chính một người trong giới trí thức Anh và thuộc tầng lớp cai trị bấy giờ tại Ấn. Hai ông Hume và Sinnett thích hợp cho vai trò này, nên vì thế mà hai ngài chịu bỏ thì giờ trao đổi thư từ để chỉ dạy, và tỏ lòng biết ơn khi hai người viết bài, viết sách phổ biến Theosophy.
Có sự cần thiết phải trưng ra Theosophy cho thế giới vào lúc ấy, để làm giảm bớt khuynh hướng duy vật do cuộc cách mạng kỹ nghệ mang lại. Sang thế kỷ 21, nhu cầu này vẫn còn đó do chủ nghĩa duy vật nay lấy nhiều dạng mới như ghép bộ phận của thú cho người, môi sinh bị phá hủy cho lợi ích thương mại v.v. Công việc truyền bá MTTL vì vậy chưa thể ngừng nghỉ mà phải nỗ lực thêm hơn. Sự việc còn muốn đến một luật huyền bí là 'Kẻ nào cho ra sẽ được có thêm', hai ông đã chia sẻ hiểu biết có được và đáp lại, đức Văn Minh thuận cho hai ngài dành thì giờ chỉ dạy hai ông.

Thư cũng lập lại vài điểm ghi trong các thư trước cũng như sẽ thấy trong vài thư về sau, ấy là có nhiều điều ngài không thể tiết lộ hay giải thích vì đã có lời hứa kín miệng. Ngài nhấn mạnh đến việc thiếu từ ngữ, và khó khăn lớn lao trong việc tìm chữ tiếng Anh thích hợp, để làm cho trí não của người tây phương học thức có được khái niệm tương đối chính xác về nhiều đề tài khác nhau mà đôi bên sẽ bàn.
Nhận xét này cho thấy ngôn ngữ tỏ ra thiếu sót khi được dùng để diễn tả các ý niệm huyền bí.Ngày nay ta có thể đã có từ ngữ phong phú, xác định hơn nhưng vẫn còn rủi ro có hiểu lầm do việc quá trụ vào lời thay vì vào ý, bị sa lầy trong từ ngữ và không nắm được ý bên trong. Vì vậy điểm chính là hiểu ra ý của chữ, việc nhiều khi đòi hỏi có trực giác.
Chót hết, việc ông Hume đã ăn chay hoàn toàn so với ông Sinnett vẫn còn dùng rượu, thịt là lý do cho nhận xét của Chân sư 'Lẽ tự nhiên nay bạn có nhiều cơ may hơn so với ông Sinnett', về việc luyện tập để sinh hoạt nơi cõi trung giới. Xin đọc lại nhận xét chót về thư 64 ở trên giải thích kỹ tương quan giữa việc ăn chay và khả năng quan sát ở cõi này.
Dầu vậy, xin đọc phần phụ chú mà thực ra là một bức thư.
(còn tiếp).